HOẠT ĐỘNG ĐẢNG - ĐOÀN THỂ HOẠT ĐỘNG ĐẢNG - ĐOÀN THỂ

Phát huy vai trò người đứng đầu trong củng cố tổ chức cơ sở Đảng
Publish date 23/07/2024 | 09:21  | Lượt xem: 252

6 tháng đầu năm 2024, việc thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 tại TP Hà Nội được các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP…

Không để phát sinh "điểm nóng" về an ninh trật tự

Đây là thông tin được nêu ra trong thông báo của Thành ủy Hà Nội về kết luận của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16/12/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” của Ban Thường vụ Thành ủy tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Quang cảnh Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Quang cảnh Hội nghị Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Theo nội dung thông báo, 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp củng cố tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) yếu kém, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Chủ động rà soát, đánh giá tình hình TCCSĐ, nhất là những nơi có khó khăn, nơi có các vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng đề án củng cố, đưa ra các giải pháp cụ thể cho từng TCCSĐ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các đề án củng cố TCCSĐ yếu kém, quyết liệt thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư; tập trung xử lý, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, nhất là không để phát sinh "điểm nóng" về an ninh trật tự. Một số địa phương đã rà soát, chủ động đưa các vụ việc vào danh sách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo…

Tạo sự thống nhất về nhận thức trong thực hiện

Trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, TP tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công và các công trình trọng điểm. Để triển khai hiệu quả, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục quán triệt việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, tạo sự thống nhất về nhận thức của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị nhất là người đứng đầu về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị trên.

Ngoài ta, tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo quy định. Thực hiện đối thoại với công dân nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, tránh kéo dài vượt cấp. Tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở; công tác quản lý Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, lưu ý việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cần thực hiện thận trọng, không chủ quan, nắm chắc diễn biến, tình hình của các đơn vị tránh việc tiềm ẩn mâu thuẫn giữa nội bộ các đơn vị sáp nhập, đặc biệt chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đồng thời, các cấp ủy, TCCSĐ trên địa bàn TP tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với việc thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước về một số lĩnh vực thường phát sinh KNTC như: đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, trật tự xây dựng.... Qua đó, giúp người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của TP, địa phương. Đồng thời chỉ đạo xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, không đề bị động, bất ngờ.

Đối với các quận, huyện, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc củng cố TCCSĐ yếu kém, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, thực hiện nghiêm túc các kết luận sau thanh tra, kiểm tra của cấp có thẩm quyền. Các đảng bộ khối, đảng bộ trực thuộc Thành ủy tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp, công tác giải quyết đơn thư của các cơ quan, đơn vị trực thuộc…