VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024): Mốc son chói lọi bằng vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Ngày đăng 23/04/2024 | 09:53  | Lượt xem: 51

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã đi đến thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt - “Một mốc son chói lọi bằng vàng” trong lịch sử dân tộc ta, non sông đất nước ta.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể Nhân dân Việt Nam một lòng đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, làm nên các chiến thắng vang dội: Việt Bắc thu đông 1947, Biên Giới 1950, tạo bước chuyển cơ bản cho cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới - giai đoạn ta mở các cuộc tấn công và phản công địch, nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường khiến cho thực dân Pháp dấn sâu vào thế bị động, nguy khốn. Tháng 5/1953, được sự ủng hộ của Mỹ, Pháp đề ra kế hoạch quân sự Nava với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ chuyến bại thành thắng.

Giữa tháng 11/1953, bộ đội chủ lực của ta thực hiện kế hoạch tiến lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với Quân đội Pathet Lào. Trước tình hình đó, Pháp buộc phải cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm chặn bước tiến của quân ta. Kế hoạch Nava bị đảo lộn, chúng phải phân tán lực lượng để đối phó với ta. Địch tập trung xây dựng Điện Biên Phủ - vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm”, gồm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu yểm hộ lẫn nhau, có cơ cấu phòng ngự vững chắc. Địch đã cho tập trung ở đây hơn 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới, với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta.

Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn về nhiệm vụ quân sự, ra nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Đảng và Chính phủ chủ trương mở cuộc tiến công địch trên mặt trận ngoại giao với quan điểm: “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”, từ đó thu hút sự ủng hộ của Nhân dân Pháp và Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta.

Đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp: phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ gồm 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Cả một hậu phương rộng lớn của đất nước, từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu IV, vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ, vùng mới giải phóng ở Thượng Lào, đều dồn sức người, sức của với hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc ở Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Chiến dịch diễn ra thành ba đợt trong gần hai tháng:

Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự trên hướng Bắc và Đông Bắc - của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; mở toang cánh cửa cho quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 26/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm. Ta đã tiêu diệt khoảng 5.000 tên địch, trong số đó gồm 4 tiểu đoàn và 9 đại đội (chiếm khoảng 1/2 tổng số quân địch ở phân khu Bắc và phân khu trung tâm); khống chế được phần lớn điểm cao phía đông, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt một số cứ điểm phía Tây và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh Nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham chiến phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Giơnevơ đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam; chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương.

Góp phần cùng các lực lượng giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Hà Nội đã đẩy mạnh tiến công địch bằng nhiều hình thức, gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn và tổn thất. Đầu tháng 3/1954, trong khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị ta bao vây và chuẩn bị nổ súng tiêu diệt, mặt trận Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm. Kết quả, ta tiêu diệt 16 tên địch, phá hủy 18 máy bay, đốt phá một nhà sửa chữa máy bay, một kho xăng, hoạt động của sân bay trong nhiều ngày tiếp theo bị đình trệ, làm gián đoạn cầu hàng không, gây nhiều khó khăn cho địch trong tiếp tế, ứng cứu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tiếp tục chia lửa với mặt trận, chiều 4/4/1954, quân và dân huyện Gia Lâm lại đánh thắng một trận vang dội trên đường 5, lật nhào một đoàn tàu 13 toa chở quân lương, quân trang và vũ khí của địch từ Hải Phòng về Hà Nội. Trước thất bại liên tiếp của địch ở Điện Biên Phủ, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, kêu gọi binh lính địch đào ngũ trở về nhà, có tác dụng kìm hãm lực lượng địch ở hậu phương, gây nhiều khó khăn cho địch trong việc ứng cứu, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Từ chiến thắng Điện Biên, quân ta tiến về tiếp quản Thủ đô. Ngày 10/10/1954, ngày Giải phóng Thủ đô trở thành mốc son khắc ghi niềm hân hoan, vui sướng của nhân dân Hà Nội và cả nước.

Tiếp nối Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Trong gần 40 năm đổi mới, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, nâng cao. So với những năm trước đổi mới, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực: Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, trong đó quy mô GDP theo giá năm 2022 đạt 409 tỷ USD tăng gấp 10 lần so với năm 2000, tăng 29,2 lần so với năm 1985 (14 tỷ USD), năm 2023 ước đạt 435 tỷ USD; Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong khu vực và trên thế giới, GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022, năm 2023 mức tăng trưởng đạt 5% (mức khá trên thế giới). Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và dành sự ưu tiên, quan tâm cho phát triển toàn diện vùng Tây Bắc. Với tỉnh Điện Biên, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tỉnh đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và phát triển liên tục. Nhiều năm liền Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, riêng năm 2022, Điện Biên đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong số 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, đời sống của Nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Các di tích của chiến trường Điện Biên năm xưa như: Đồi Al, Cl, C2, Dl, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, Sân bay Mường Thanh và hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội có nhiều hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa với tỉnh Điện Biên thông qua các sự kiện như: “Những ngày Điện Biên ở Hà Nội” và “Những ngày Hà Nội ở Điện Biên”. Hưởng ứng Lễ phát động ủng hộ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên, với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, thành phố Hà Nội đã ủng hộ 300 căn nhà đại đoàn kết, tương ứng với số tiền 15 tỷ đồng.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) là dịp chúng ta thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi ngày càng to lớn. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. /.